Sau cuộc họp hôm 26/11, WHO đã chính thức đặt tên cho biến thể B.1.1.529, được phát hiện lần đầu tại Nam Phi, là Omicron. Các chuyên gia vô cùng lo ngại về khả năng lây nhiễm của nó và quyết định đặt tên nó theo tên một chòm sao đột biến bất thường.
Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, cho biết: "Omicron được xem là một biến thể đáng quan ngại bởi nó có những đặc tính thực sự khiến con người lo lắng. Nó có một số lượng lớn các đột biến và một số đột biến này có những đặc điểm đáng lo ngại".
Các chuyên gia lo lắng rằng sự gia tăng mạnh số ca mắc Covid-19 với biến thể này ở tỉnh Gauteng của Nam Phi, nơi đầu tiên Omicron được phát hiện, có thể cho thấy nó né tránh được miễn dịch tốt hơn các biến thể trước đây. Hiện tại, số ca mắc biến thể Omicron ở khắp châu Phi đều đang gia tăng.
Tổ chức Y tế Thế giới gọi một biến thể là "đáng quan ngại" khi chúng dễ lây lan hơn, độc lực lớn hơn và "thành thạo" hơn trong việc né tránh các biện pháp y tế công cộng, bao gồm cả vắc xin và các loại thuốc điều trị.
Dữ liệu được Bộ Y tế Nam Phi đưa ra trước đó cho thấy một số đột biến của Omicron có khả năng liên quan đến khả năng kháng lại kháng thể, khiến hiệu quả bảo vệ của vắc xin giảm xuống. Ngoài ra, một số đột biến nhất định cũng có thể làm cho Omicron dễ lây lan hơn. Một vài đột biến còn chưa được khám phá hết nên các nhà nghiên cứu chưa thể hiểu được chúng tác động như thế nào đến hành vi của chủng này.
"Bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể này tăng lên so với các biến thể khác", WHO cho biết trong một tuyên bố ngày 26/11.
Việc gắn mác "đáng quan ngại" cho một biến thể mới đồng nghĩa với việc réo lên một hồi chuông cảnh báo với giới chức y tế toàn cầu. Trước đó, thông tin về biến thể này cũng đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Giá dầu, cổ phiếu du lịch và giải trí là những nạn nhân thiệt hại nặng nề nhất.
Hiện tại, WHO cho biết sẽ phải mất nhiều tuần để hiểu hết về biến thể này và tác động của nó đến việc chuẩn đoán, điều trị cũng như hiệu quả của vắc xin.
Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Israel, Singapore và Mỹ đều đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại đối với một số quốc gia ở phía nam châu Phi. Trong khi đó, WHO đã cảnh báo các quốc gia trong việc vội vàng áp đặt các hạn chế đi lại, cho rằng những biện pháp này chỉ nên được tiến hành dựa vào dữ liệu khoa học.
Tuy nhiên, Sharon Peacock , giáo sư về sức khỏe cộng đồng và vi sinh vật tại trường Đại học Cambridge, cho rằng: "Có 2 cách tiếp cận. Một là chờ thêm bằng chức khoa học. Hai là hành động ngay và có thể sửa lại nếu chúng không thực sự cần thiết".
"Tôi tin rằng tốt hơn hết là chúng ta nên làm mạnh, làm sớm và làm nhanh. Đồng thời, chúng ta cũng nên sẵn sàng xin lỗi nếu sai còn hơn là chờ bằng chứng rõ ràng rồi mới hành động. Sự lây lan mạnh mẽ ở Nam Phi có thể là do các sự kiện siêu lây nhiễm hoặc những yếu tố khác. Tuy nhiên, chúng ta nên sẵn sàng cho sự tồi tệ nhất thay vì hy vọng và điều tốt nhất. Nên phòng ngừa", giáo sư Peacock nói.
Theo toquoc.vn