Nhiều “lực đẩy” để thị trường phát triển
Theo các chuyên gia, năm 2022, thị trường bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng sẽ nhanh chóng phục hồi, đặc biệt là làn sóng đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang những vùng đất mới ven đô tiềm năng, có vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông, cùng chính sách thu hút đầu tư cởi mở.
Ông Nuyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, ngay khi “bình thường mới”, những nơi được đầu tư du lịch bài bản, chuyên nghiệp đang trở thành thỏi “nam châm” hút khách. Tín hiệu vui từ dòng khách du lịch vừa qua sẽ tạo đà cho thị trường địa ốc phát triển, cộng thêm những “lực đẩy” khác như gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo ông Đính, khi du lịch mở cửa trở lại các địa phương có lợi thế về du lịch như Nha Trang, Phú Quốc, Phan Thiết… sẽ hưởng lợi. Bởi những địa phương này với hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng, chu kỳ đầu tư và khai thác dài lên tới hàng chục năm đã có sẵn cơ sở để đón khách và các dự án vẫn triển khai xây dựng ngay cả trong dịch bệnh để đáp ứng nhu cầu của thị trường khi trạng thái bình thường được thiết lập.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam, thị trường BĐS năm 2022 sẽ có nhiều lực đẩy như Luật Đất đai được dự kiến sẽ trình Quốc hội trong năm 2022 xem xét, sửa đổi. Từ đó, các Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở cũng thay đổi để phù hợp với sự phát triển của thị trường. Cùng với hàng loạt cơ chế, chính sách, định hướng khác thì đây là những điểm tựa/lực đẩy cho thị trường năm 2022.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là các gói giải ngân dự án hạ tầng giao thông cho mục đích phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19. Hạ tầng giao thông luôn là yếu tố trực tiếp tác động đến thị trường BĐS. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, gói kích cầu trong sản xuất kinh doanh nói chung, từ vài chục nghìn tỷ đồng đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Có thể khó có gói hỗ trợ trực tiếp cho thị trường BĐS, nhưng sẽ tác động gián tiếp từ các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác khi người lao động được hưởng lợi.
Các hoạt động du lịch quốc tế (hộ chiếu vắc-xin) được dự kiến mở cửa trở lại sẽ làm cho ngành Du lịch bước đầu “tan băng” và hy vọng tác động ít nhiều đến các hoạt động của BĐS du lịch nghỉ dưỡng có liên quan (dù khó sôi động được như năm 2019 trở về trước). Theo nhiều dự báo, phải đến năm 2023 ngành Du lịch mới có thể quay trở lại như năm 2019 trở về trước và khi đó BĐS nghỉ dưỡng mới sôi động trở lại. Dù vậy, một số dự án BĐS nghỉ dưỡng có thế mạnh vượt trội và tiềm năng thì vẫn có tín hiệu tích cực.
Phải xác định rằng hộ chiếu vắc-xin là cánh cửa mở trực tiếp cho ngành Du lịch. Khi ngành Du lịch phát triển, sẽ có tác động trực tiếp lên BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Do đó, BĐS du lịch nghỉ dưỡng thường sẽ có độ trễ nhất định. Ngoài ra, BĐS du lịch nghỉ dưỡng còn chịu sự tác động của một số yếu tố khác, quan trọng nhất là năng lực/kinh nghiệm triển khai dự án và đối tác quản lý vận hành với các tiêu chuẩn được cam kết, từ đó mang lại lợi nhuận cho người đầu tư.
Vùng ven đô thu hút nhà đầu tư
Còn theo ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch BHS Group cho biết, xu hướng nhà đầu tư mua BĐS nghỉ dưỡng đang trở lại trong năm 2022. Đặc biệt, tại những vùng đất du lịch cách Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian 2 - 3 giờ đồng hồ di chuyển bằng ô tô cá nhân đang được ưa chuộng hơn cả.
“Covid-19 đã làm thay đổi một phần hành vi mua BĐS nghỉ dưỡng của người Việt. Nếu trước kia họ mua BĐS nghỉ dưỡng nhằm mục đích là kênh đầu tư sinh lời thì nay nhiều người mua hướng đến BĐS nghỉ dưỡng như một ngôi nhà thứ 2 đích thực. Họ mua trước hết cho nhu cầu gia đình, sau mới tính đến chuyện đầu tư”- ông Nguyễn Thọ Tuyển cho biết.
Ông Tuyển cũng nhận định, thị trường BĐS nghỉ dưỡng biển và núi kết hợp nghỉ dưỡng và ở trong năm 2022 sẽ là phân khúc được nhà đầu tư quan tâm mạnh trong năm 2022.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS EZ cho rằng, đối với BĐS du lịch nghỉ dưỡng, thì khu vực ven đô đang rất được các nhà đầu tư quan tâm, bởi nhu cầu rất lớn và không ngừng tăng nhanh. Các khu vực ven đô Hà Nội như các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nam… đang có lợi thế về cảnh quan, văn hóa, ẩm thực để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Trong đó, quan trọng hơn cả là yếu tố cự ly, từ trung tâm đến khu vực ven đô chỉ mất khoảng 1 giờ di chuyển, rất phù hợp với nhu cầu đi nghỉ dưỡng gần của các gia đình trong thành phố, thậm chí đang dần hình thành xu hướng các gia đình sống ở vùng ven, rồi vào nội đô đi làm khi yếu tố hạ tầng giao thông được cải thiện đồng bộ.
Ông Toản cho hay, với dự án nghỉ dưỡng ven đô đáng chú ý trong thời gian gần đây là khu nghỉ dưỡng Sakana Best Western, tọa lạc vị trí địa lý tuyệt đẹp tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình, cách Hà Nội khoảng 45km. Đồng thời, với đường cao tốc được đầu tư bài bản, từ Hà Nội lên Hòa Bình chỉ mất thời gian 45 phút thay vì vài tiếng đồng hồ như trước đây, Hòa Bình cũng có nhiều ưu điểm để hình thành những sân golf, vườn cây, trải nghiệm nông nghiệp với nhiều sản phẩm có thế mạnh.
Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam