Một triệu viên thuốc Xuyên Tâm Liên sẽ được chuyển vào TP.HCM trong thời gian tới để hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Xuyên tâm liên, một vị thuốc nam, được đánh giá có thể hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 ít triệu chứng.
Trong tài liệu về việc tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu, ngày 24/7, Bộ Y tế đưa bài thuốc Xuyên tâm liên là một trong 12 bài thuốc cổ truyền giúp phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19.
Tại hội nghị trực tuyến phòng chống Covid-19 tuần trước, Cục trưởng Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cũng cho biết đã giao Cục Y dược cổ truyền kết hợp Cục Khoa học đào tạo làm đề cương thử nghiệm lâm sàng.
"Vừa qua, một số nước đã đưa vào điều trị và cũng thấy hiệu quả nên chúng ta có thể đưa vào điều trị trên những bệnh nhân ít triệu chứng, thể nhẹ kết hợp cùng nâng cao thể trạng, dinh dưỡng", ông Khuê nói. Ngoài ra, các trường hợp F1 cách ly tại nhà có dấu hiệu mệt mỏi cũng có thể xem xét sử dụng vị thuốc này theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trong đợt dịch tại Bắc Giang vừa qua, Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền đã đưa bài thuốc có Xuyên tâm liên, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2, cho kết quả tương đối tốt.
Chia sẻ cụ thể về vị thuốc Xuyên tâm liên, bác sĩ Hoàng Văn Lý, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Hữu nghị, cho biết Xuyên tâm liên trong dân gian còn gọi là cây công cộng, hùng bút, nguyên cộng, lam khái liên, cây lá đắng, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ, là một loài thảo dược thuộc họ Ô rô.
Xuyên tâm liên thuộc nhóm thuốc thanh nhiệt, giải độc, có vị đắng, tính hàn, thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tiêu thũng, chỉ thống, có tác dụng kháng vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng),chống viêm, oxy hóa, giảm đau, diệt khuẩn. Tính kháng sinh tự nhiên của Xuyên tâm liên được đánh giá rất cao nhờ nó vừa có tính giảm đau, vừa tăng đề kháng mà không để lại tác dụng phụ như các loại kháng sinh thông thường.
Y học cổ truyền dùng Xuyên tâm liên để chữa rất có hiệu quả các bệnh thuộc hệ thống hô hấp như cảm sốt, cúm, ho, viêm họng, sưng amidan, viêm phế quản - phổi. Nhờ đặc tính kháng vi khuẩn, virus phổ rộng, Xuyên tâm liên cũng có hiệu quả tốt trong điều trị nhiều bệnh lý nhiễm trùng ở các cơ quan khác, như viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo, khí hư, viêm nhiễm đường ruột. Ngoài ra, vị thuốc này còn được sử dụng trong điều trị các bệnh về gan, sốt, tiêu chảy cấp tính, tăng huyết áp, thủy đậu, bệnh phong, sốt rét, đắp ngoài hoặc làm nước tắm chữa mụn nhọt, ghẻ lở...
Covid-19 là một dạng bệnh đường viêm đường hô hấp do virus gây nên. Việc sử dụng Xuyên tâm liên phối hợp với một số thuốc cũng sẽ có tác dụng nhất định đối với việc hỗ trợ điều trị, cải thiện các triệu chứng đau họng, nhức đầu, ho hay sổ mũi, làm giảm tiết dịch, thông thoáng đường thở, đảm bảo thông khí ở các bệnh nhân bị Covid-19 nhẹ hoặc giai đoạn khởi phát.
Hiện tại các nhà khoa học tại một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đã có những nghiên cứu cho thấy trong thành phần chiết xuất của cây Xuyên tâm liên có nhiều hoạt chất, chủ yếu là flavonoid và glycoside có tác dụng ức chế men protease của virus corona, làm hạn chế sự phát triển, nhân lên của chúng qua đó làm giảm nhẹ các triệu chứng lâm sàng. Nhiều sản phẩm được bào chế từ Xuyên tâm liên đã được nghiên cứu và áp dụng trên lâm sàng điều trị Covid-19 đem lại hiệu quả rất khả quan.
Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền, Bộ Y tế, cho biết Xuyên tâm liên trước đây rất phổ biến, đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh được coi như "thần dược" chữa bách bệnh. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, khi kháng sinh ra đời, vị thuốc này dần bị quên lãng. Tại Việt Nam, không còn vùng nguyên liệu lớn trồng Xuyên tâm liên, hiện chỉ còn trồng nhỏ lẻ, thu hoạch vào tháng 9-10 hàng năm.
"Trước mắt chúng tôi vận động doanh nghiệp ủng hộ TP HCM 1 triệu viên Xuyên tâm liên và sẽ chuyển hàng vào cuối tháng 7", ông Thịnh nói.
Bác sĩ Lý lưu ý Xuyên tâm liên là vị thuốc lạnh, sử dụng dài ngày có thể gây buồn nôn, tiêu chảy nên chú ý khi sử dụng cho người tỳ vị hư hàn; không dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú; những người bị viêm loét dạ dày, tá tràng và những người phẫu thuật, chấn thương cũng không nên dùng vì có thể bị chảy máu do Xuyên tâm liên làm chậm quá trình đông máu. Người dân cũng không được tự ý sử dụng Xuyên tâm liên để điều trị, mà phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và bác sĩ chuyên ngành.
Xuyên tâm liên tăng giá
Ngày 26.7, Bộ Y tế đã thu hồi công văn về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu kèm theo danh mục gồm 12 loại thuốc, sản phẩm cổ truyền phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19 (bao gồm thuốc Xuyên tâm liên và 11 loại khác) do một số nội dung chưa phù hợp.
Chi tiết xin tiếp tục theo dõi và cập nhật tại VOV.NET.VN
VOV Tổng hợp.