Ngày đăng: 30/10/2021

Việc FIFA ra phán quyết Đặng Văn Lâm thắng kiện trong tranh chấp quốc tế, tạo ra một tiền lệ ứng xử và cũng là bài học rất lớn cho những người làm bóng đá của Việt Nam.

Chiến thắng trước uy quyền của CLB Muangthong United

Đầu tháng 1.2021, CLB Muangthong United (Thái Lan) đã khởi kiện khi Đặng Văn Lâm tuyên bố đơn phương chấm dứt hợp đồng và khẳng định sẽ theo kiện đến cùng. Sau đó, nhà cựu vô địch Thai League đã chính thức nộp đơn lên FIFA hòng ngăn cản việc Đặng Văn Lâm đầu quân cho CLB Cerezo Osaka của Nhật Bản. Đáp lại, thủ môn mang 2 dòng máu Việt - Nga rời khỏi CLB Muangthong United, cắt liên lạc đội bóng cũ, giao hết trách nhiệm cho công ty đại diện ứng phó vụ kiện và hoàn tất đàm phán với CLB Cerezo Osaka. Trong suốt quá trình đó, Đặng Văn Lâm chọn cách chuyên nghiệp là im lặng, giao mọi trách nhiệm phát ngôn cho người đại diện Andrey Grushin (người đứng đầu Công ty Young Football Talents).

“Văn Lâm đã chấm dứt hợp đồng với Muangthong United, do đội bóng này vi phạm điều khoản tài chính đã cam kết. Việc chấm dứt hợp đồng tuân thủ đúng quy định của FIFA”, dẫn lời ông Andrey Grushin ngày 12.1.

Dễ hiểu khi truyền thông Thái Lan ban đầu lên tiếng ủng hộ CLB Muangthong United. Thậm chí, một bộ phận có hướng khai thác thông tin về Đặng Văn Lâm như muốn dựng nên hình ảnh của một cầu thủ có ý thức kém. Nhưng từ cuối tháng 1.2021, khi FIFA đồng ý cấp giấy chuyển nhượng tạm thời để Đặng Văn Lâm gia nhập CLB Cerezo Osaka thì CLB Muangthong United và truyền thông Thái Lan hầu như im lặng. Người đại diện Andrey Grushin và Công ty Young Football Talents từ đầu tới cuối khẳng định CLB Muanthong United “vi phạm các cam kết tài chính” khi chậm và giảm lương cầu thủ và việc Đặng Văn Lâm đơn phương chấm dứt hoạt đồng là đúng theo quy định của FIFA. Ngày 3.4.2021, Văn Lâm bay sang Nhật Bản tập luyện và thi đấu cho CLB Cerezo Osaka. Đến ngày 18.10, ông Andrey Grushin thông báo FIFA từ chối ra án phạt dành cho Đặng Văn Lâm, bác đơn kiện của CLB Muangthong United đồng nghĩa khẳng định chiến thắng cho thủ thành Việt Nam.

Đây được xem là chiến thắng lịch sử của Đặng Văn Lâm bởi Muangthong United thực sự là một đội bóng uy quyền ở Thái Lan, với đội ngũ pháp lý đông đảo được cho hiểu rất chắc luật FIFA.

CLB Muangthong United đòi Cerezo Osaka bồi thường

Không hài lòng với phán quyết của FIFA, hôm qua (19.10),CLB Muangthong United có động thái tiếp theo nhằm đòi hỏi quyền lợi.

Truyền thông Thái Lan dẫn lời luật sư người Pháp Christoph Laroue của CLB Muangthong United cho rằng việc FIFA phủ nhận những vấn đề khúc mắc trong phán quyết vừa qua đồng nghĩa với việc vụ chuyển nhượng Văn Lâm là sai quy định. Vì vậy, Muangthong United sẽ kháng cáo. CLB Muangthong United muốn Cerezo Osaka phải bồi thường thiệt hại cho vụ chuyển nhượng này. Tranh chấp còn lại là giữa hai đội bóng. Văn Lâm được công nhận vụ chuyển nhượng và không sai luật khi rời đi.

Phía CLB Muangthong United sẽ tiếp tục khiếu kiện lên FIFA yêu cầu CLB chủ quản hiện tại của thủ môn Văn Lâm là Cerezo Osaka vốn hưởng lợi từ vụ việc phải có nhiệm vụ đền bù thiệt hại cho Muangthong United.

FIFA luôn sẵn sàng bảo vệ cầu thủ

 

Là một nhà môi giới quốc tế từng làm việc với các đội bóng Thai League, trong đó có CLB Muangthong United, ông Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Đặng Văn Lâm đã vận dụng điều 14Bis của FIFA quy định sau 2 tháng bị nợ hay giảm lương thì cầu thủ có quyền ra đi tự do. Theo quy trình này, trước khi ra đi Văn Lâm phải gửi một email đến CLB Muangthong United thông báo kèm xác nhận số tiền mình còn bị nợ. Trong quy định của FIFA cho phép xem email là một cơ sở có tính pháp lý khi xảy ra tranh chấp. Điều này xuất phát từ lý do địa lý, an toàn cho cầu thủ không phải lúc nào cũng sẵn sàng đối mặt với ông chủ quyền lực. Bước tiếp theo sau khi ra đi, cầu thủ có thể gửi email cho FIFA thông báo cấp ITC tạm thời để đàm phán và gia nhập CLB mới nhằm tránh trường hợp đội bóng cũ gây khó bằng cách kéo dài vụ kiện khiến cầu thủ không thể đi đâu hết. Công ty đại diện của Đặng Văn Lâm đã làm đúng tất cả các bước đó.

Đây cũng lần đầu tiên một cầu thủ Việt Nam thắng kiện trong một tranh chấp hợp đồng quốc tế. Trước đó, 90% cầu thủ nước ngoài kiện các CLB Việt Nam đều chiến thắng. Bóng đá Việt Nam thua kiện liên tục vì nhiều lý do nhưng tựu trung là cách làm việc nghiệp dư. Mặt khác, phán quyết của FIFA khẳng định xu hướng bảo vệ cầu thủ. Đây có thể sẽ là bước ngoặt của bóng đá Việt Nam vì từ trước tới giờ chưa có cầu thủ Việt Nam nào kiện CLB chủ quản của mình vì không hiểu luật, thiếu người đại diện tư vấn nắm chắc luật. Rõ ràng, FIFA vẫn luôn sẵn sàng đứng ra bảo vệ cầu thủ miễn là họ biết cách thực hiện đúng theo các quy định đã được đưa ra hết sức rõ ràng”.

Cầu thủ Việt Nam cần nắm rõ luật hơn

Ông Nguyễn Minh Châu cho rằng câu chuyện của Đặng Văn Lâm sẽ là sự tham khảo rất lớn cho các cầu thủ, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến tài chính bóng đá. Ông viện dẫn trường hợp CLB Quảng Ninh tìm cách xóa những món nợ khủng gần 100 tỉ đồng bằng cách ép các cầu thủ muốn có giấy thanh lý phải viết cam kết không khiếu kiện. Theo ông Minh Châu thì: “Cầu thủ Việt Nam nên có ý thức chuẩn bị về luật để có phương án hữu hiệu tự bảo vệ thay vì chỉ biết than khóc trên Facebook để nhờ báo chí hoặc bên thứ 3 vào cuộc. Điều 14Bis của FIFA đánh thức các CLB phải nghiêm chỉnh chấp hành các cam kết tài chính với cầu thủ. Câu chuyện Đặng Văn Lâm đã mở ra niềm tin cho cầu thủ Việt Nam có thêm tấm áo giáp để che chắn, bảo vệ cho công việc và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình. Cộng thêm chuyện CLB Quảng Ninh sẽ giúp cầu thủ Việt Nam nhìn thấy tầm quan trọng của việc nắm rõ luật và rạch ròi hợp đồng.

Tôi biết nhiều cầu thủ bắt đầu nhờ luật sư hoặc văn phòng luật để tham khảo, tư vấn cho mình trước, trong và sau các hợp đồng mới. Điều này sẽ giúp cuộc chơi trở nên minh bạch, rõ ràng hơn vì bao lâu nay cầu thủ Việt Nam vẫn ở thế kèo dưới. Điều này dẫn đến việc lỡ như CLB có vi phạm hợp đồng thì cầu thủ cũng chỉ biết im lặng chịu đựng, hoặc hùa theo số đông nhờ một vài trụ cột lên tiếng. Nhưng họ không biết rằng làm như vậy mãi sẽ tạo ra hệ lụy kéo dài sự bất công và văn hóa ứng xử thiếu chuyên nghiệp, như việc nhiều cầu thủ vẫn đang bị CLB giấu mất hợp đồng của mình. Đã bước vào cuộc chơi chuyên nghiệp, tất cả cứ phải theo giấy trắng mực đen vì “bút sa, gà chết”, mà câu chuyện CLB Quảng Ninh là bài học cay đắng”.

Theo Thanh Niên.